Mời các bạn đọc sách cùng chúng mình, cùng hiểu thêm một chút về năng lượng, những rung động của tinh thể năng lượng, và nó liên quan như thế nào đến sức khoẻ và đời sống con người.
Vì sao Năng lượng đã từng là một phương pháp quan trọng trong Khoa học sự sống, trong các phương pháp chữa bệnh của nền văn minh Ai Cập cổ đại – một trong những nền văn minh rực rỡ nhất, có tầm ảnh hưởng xuyên không gian và thời gian, để lại những di sản mà đến giờ cả thế giới loài người vẫn thán phục và chưa hết ngạc nhiên trước sức sáng tạo kỳ diệu của họ, và chưa thể giải thích được bằng khoa học “hiện đại” cho tới giờ.
Dưới đây là một đoạn đối thoại giữa Sinuhe – Khi đó đang là một học sinh trong trường Khoa học về sự sống, với Đạo trưởng Akhanuxem – người đứng đầu ngôi trường về sự sống, và các phương pháp chăm sóc, duy trì, hỗ trợ sự sống này.
***
Trích Chương 2 – Dấu chân trên cát (The Egyptian)
Phóng tác: Dịch giả Nguyên Phong
***
Từ đó chúng tôi bắt đầu học hỏi những kiến thức chuyên môn về Khoa Học Của Sự Sống. Ngoài việc mổ xẻ, nghiên cứu các cơ quan trong thân thể, chương trình học còn chú trọng đến việc dinh dưỡng, phương pháp hô hấp, sự vận động như: thư giãn, xoa bóp… cũng như công dụng của các dược chất đối với thân thể con người. Vì đã từng phụ giúp cha tôi từ nhỏ, tôi rất quen thuộc với các phương pháp này nên chỉ một thời gian ngắn, tôi đã trở nên một học sinh xuất sắc nhất trường.
Hôm đó tôi đang đi dạo ngoài sân thì gặp đạo trưởng Akhanuxem đi đến. Ông đứng lại nói với tôi:
– Ta rất hài lòng về việc học của con. Con là một trong những học sinh mà ta hy vọng là sẽ làm rạng danh trung tâm Abydos này.
– Thưa đạo trưởng, đó là nhờ công ơn dạy dỗ của các giáo sư…
Đạo trưởng Akhanuxem vuốt râu cười rồi lắc đầu:
– Con không cần phải khiêm tốn như thế. Ta đã để ý đến con từ lâu và vẫn theo dõi việc học của con. Con là một học sinh thông minh, hiếu học, có óc cầu tiến, lúc nào cũng muốn tìm tòi hiểu biết thêm.
Ông nhìn tôi một lúc rồi nói:
– Đó là điều tốt. Ta rất thích những học sinh hiếu học như thế. Từ nay nếu có gì thắc mắc, con có thể đến hỏi ta, và ta sẵn sàng giúp con.
Đây là một cơ hội hiếm có vì đạo trưởng Akhanuxem là người có kiến thức uyên bác nhất trường. Được ông chỉ dạy không những là một đặc ân mà còn bảo đảm cho việc sưu tầm, học hỏi các kiến thức về “Khoa Học Của Sự Sống” nữa.
Không bỏ lỡ cơ hội, tôi lên tiếng hỏi ngay:
– Thưa đạo trưởng, phải chăng “Khoa Học Của Sự Sống” chú trọng đến việc nghiên cứu các nguyên nhân gây nên bệnh tật vì đã biết nguyên nhân thì có thể tìm được cách chữa trị?
– Đúng thế, đó là nguyên tắc căn bản. Chúng ta tin rằng bệnh tật chỉ là phản ứng của cơ thể đối với những thái độ sống hay các hành động ngược với thiên nhiên vì sống thuận theo thiên nhiên không thể có bệnh. Phản ứng của cơ thể này có thể xảy ra trên phương diện vật chất hay tinh thần, do đó mới có các bệnh thuộc về thân và bệnh thuộc về tâm.
– Như thế… phải chăng tất cả bệnh tật đều do hành động trái với các định luật thiên nhiên?
Đạo trưởng Akhanuxem cười lớn:
– Không hẳn thế đâu. Có những bệnh gây ra do tai nạn như té gẫy tay, trẹo chân hoặc ăn uống thiếu dinh dưỡng, và những bệnh này không hẳn bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa nào khác. Ngoài ra còn có những bệnh bẩm sinh, hiển nhiên một đứa trẻ sơ sinh đâu đã biết sống thuận hay nghịch với thiên nhiên.
– Nhưng nếu một đứa bé vừa sinh ra đã có bệnh thì nguyên nhân từ đâu đến?
Đạo trưởng Akhanuxem vuốt râu gật gù:
– Theo sự hiểu biết của ta thì các bệnh bẩm sinh xảy ra do những nguyên nhân từ trước, vượt ngoài tầm nghiên cứu của “Khoa Học Của Sự Sống”. Nó là những kiến thức thuộc về cõi giới bên kia cửa tử, xuất phát từ ký ức của một kiếp sống khác. Đó là đối tượng của “Khoa Học Của Sự Chết”.
– Làm sao người ta có thể hiểu biết về những kiến thức này?
Đạo trưởng Akhanuxem bật cười:
– Con quả là người có nhiều thắc mắc. Chỉ những giáo sĩ chuyên nghiên cứu cõi âm, những người lãnh việc tống táng, ướp xác mới biết về những kiến thức này. Đối tượng của họ là sự kiện ở thế giới bên kia cửa tử. Là y sĩ, con chỉ nên quan tâm đến sự kiện xảy ra trong đời sống hiện tại mà thôi.
– Nhưng… nếu thế không lẽ chúng ta phải bó tay trước những bệnh tật phát xuất từ những nguyên nhân ngoài sự hiểu biết của chúng ta hay sao?
Đạo trưởng Akhanuxem im lặng một lúc như suy nghĩ rồi lên tiếng:
– Này Sinuhe, con thật là người ham hiểu biết. Rất ít ai đặt câu hỏi như thế với ta. Hiển nhiên có những định luật bất biến của vũ trụ mà chúng ta được học hỏi mặc dù nó vượt ngoài phạm vi nghiên cứu của chúng ta.
Nếu con biết nhìn đời sống này như một phần nhỏ của một hành trình kéo dài rất lâu, qua các cõi giới, các kiếp sống khác nhau, thì con sẽ thấy việc sống ngược với các định luật thiên nhiên có thể gây ra những hậu quả, không hẳn xảy ra trong kiếp này, mà có thể ảnh hưởng đến những kiếp sống khác nữa. Bệnh bẩm sinh có thể bắt nguồn từ các hành động trái ngược với luật thiên nhiên từ một kiếp sống trước…
– Như thế… Phải chăng có những yếu tố nhất định nào đó chi phối đời sống hiện tại hay sao?
– Hiển nhiên phải như thế rồi.
– Nếu thế làm sao một y sĩ có thể chữa trị các bệnh này khi nguyên nhân của nó bắt nguồn từ những điều xảy ra trong quá khứ?
Đạo trưởng Akhanuxem gật đầu, vuốt chùm râu bạc:
– Đây là một vấn đề phức tạp, không thể giải thích vắn tắt được nhưng vấn đế chính vẫn là việc chẩn bệnh và tìm hiểu nguyên nhân, dù nguyên nhân này nằm ngoài đối tượng nghiên cứu. Nếu biết được nguyên nhân thì sẽ tìm được cách chữa.
Có nhiều cách chẩn bệnh và chữa trị khác nhau, nhưng phương pháp thông thường như giải phẫu, xoa nắn, hay sử dụng dược chất chỉ là một phần trong Khoa Học Của Sự Sống mà thôi.
– Như thế phải chăng còn có những phần khác nữa?
Đạo trưởng Akhanuxem tỏ ra dè dặt:
– Đúng thế. Điều chúng ta biết thì nhiều nhưng điều chúng ta truyền dạy cho học sinh thì giới hạn vì có phần chỉ được truyền dạy trong phạm vi thu hẹp mà thôi.
– Tại sao?
Đạo trưởng Akhanuxem mỉm cười:
– Này Sinuhe, kiến thức là một kho tàng vô giá, không phải những điều có thể mang ra truyền dạy bừa bãi. Nếu không cẩn thận, người ta có thể lạm dụng các kiến thức đặc biệt này vào mục đích ích kỷ, sằng bậy.
– Nếu vậy, phần thuộc phạm vi bí truyền này như thế nào?
Đạo trưởng Akhanuxem do dự một lúc rồi ngập ngừng giải thích:
– Hãy lấy thí dụ như môn Cơ Thể Học mà hiện nay con đang theo học. Kiến thức về Cơ Thể Học của chúng ta không giới hạn vào thể xác hay thể hữu hình, mà còn mở rộng đến những thể vô hình nữa.
Nếu con biết rằng con người không phải chỉ có một thể xác này mà còn sở hữu rất nhiều các thể khác nữa. Trước khi triệu chứng bệnh tật phát sinh trên thể xác hay thể hữu hình, nó đã phát sinh trên những thể vô hình rồi.
Do đó, thay vì chẩn bệnh qua việc quan sát triệu chứng trên thể xác bệnh nhân, người sở hữu kiến thức bí truyền có thể chẩn bệnh qua việc xem xét các rung động trên những thể vô hình. Nói một cách khác, họ có thể biết căn bệnh đó trước khi nó phát xuất…
Tôi giật mình kêu lớn:
– Nếu thế… tại sao những kiến thức hữu dụng to tát như vậy lại được giữ bí mật?
– Kiến thức về những thể vô hình đòi hỏi một công phu tu tập đặc biệt, không mấy ai có đủ khả năng và kiên nhẫn để học. Nó có những ưu điểm cũng như khuyết điểm mà ta khó giải thích cho người chưa có kiến thức về huyền môn như con.
Này Sinuhe, nếu con có khả năng chẩn bệnh đó thì con sẽ phải thuyết phục bệnh nhân thế nào khi triệu chứng bệnh đó chưa hề phát ra? Mấy ai tin là con nói đúng hay bằng lòng để con chữa trị một căn bệnh còn đang tiềm ẩn?
Tôi im lặng, điều này quả là tôi chưa hề nghĩ đến. Đạo trưởng Akhanuxem nói tiếp:
– Này Sinuhe, trong thiên nhiên không có bệnh tật nào lại phát sinh ra một cách nhanh chóng bất ngờ cả đâu. Tất cả đều bắt nguồn từ những nguyên nhân nào đó. Các nguyên nhân này âm thầm ảnh hưởng lên thân thể bệnh nhân mà họ không hề hay biết đó thôi. Một khi nó bột phát thì đó là giai đoạn cuối rồi.
Phần lớn con người không biết sống một cách ý thức nên họ không biết được những đổi thay âm thầm đang diễn ra trong thân thể họ. Họ chỉ cảm thấy hậu quả của bệnh tật khi nó đã ăn sâu vào thể xác chứ đâu biết gì khi nó chỉ là những rung động bất bình thường trên các thể vô hình khác.
– Nếu vậy làm sao người ta có thể chữa bệnh khi nó chưa phát ra?
Đạo trưởng Akhanuxem im lặng một lúc rồi trả lời:
– Có một cách chữa bệnh khác với các phương pháp điều trị thông thường. Đó là phương pháp sử dụng năng lượng (energy).
Nếu bệnh tật chỉ là những rối loạn do các hành động đi ngược với luật thiên nhiên gây ra, thì người ta có thể sử dụng năng lượng để tái tạo trật tự này. Khi các thể vô hình được quân bình thì các ảnh hưởng chi phối lên thể xác cũng chấm dứt. Do đó thay vì chữa các triệu chứng xảy ra trên thể xác, người ta sẽ tập trung việc chữa trị trên các thể vô hình.
Con nên biết rằng trong phương pháp này, sự liên hệ giữa người chữa trị cũng như kẻ được chữa trị hết sức quan trọng. Thật ra không hề có việc người này chữa cho người kia mà cả hai đều là những yếu tố của một tiến trình chữa trị chi phối bởi những động năng mầu nhiệm, chứ không phải những năng lượng có tính cách cá nhân.
– Tại sao nó không có tính cách cá nhân?
– Vì năng lượng tự nó không có tính cách cá nhân. Người ta không thể tạo ra nó hay hủy hoại nó được.
– Như vậy muốn học phương pháp sử dụng năng lượng này con phải làm gì?
Đạo trưởng Akhanuxem mỉm cười:
– Trước hết con phải học hỏi các kiến thức về thiên nhiên, vũ trụ và sự liên quan giữa con người và vũ trụ. Khi đã có kiến thức về sự tuần hoàn của vũ trụ thì con sẽ hiểu rằng mọi đổi thay trong vũ trụ không phải do ngẫu nhiên mà do một quyền năng cao cả điều hành tất cả mọi vật. Mọi năng lượng trong vũ trụ này đều xuất từ quyền năng cao cả đó mà ra.
Con sẽ học phương pháp sử dụng các năng lượng phát xuất từ quyền năng đó vào mục đích chữa bênh. Muốn thế, con phải sống theo những kỷ luật và quy tắc nhất định. Con phải biết khiêm tốn, không tự xem mình là quan trọng và phải biết hoàn toàn dẹp bỏ bản ngã. Trong phương pháp này không thể có một bản ngã riêng tư được.
– Tại sao?
– Vì trong phương pháp sử dụng năng lượng, người y sĩ chỉ đóng vai trò trung gian mà thôi. Họ chỉ là một khí cụ chứ không phải một tác nhân chính. Nếu họ nắm vai chủ động thì năng lượng phát xuất từ chính họ sẽ chuyển qua bệnh nhân chứ không phải năng lượng phát xuất từ quyền năng cao cả kia, và như thế việc chữa trị sẽ chuyển qua một vấn đề khác.
Trong tiến trình chữa trị có sự trao đổi năng lượng giữa hai bên, khi năng lượng từ cá nhân y sĩ chuyển qua bệnh nhân thì năng lượng từ bệnh nhân cũng sẽ chuyển qua y sĩ. Hậu quả của việc này là chính y sĩ sẽ vô tình nhiễm phải căn bệnh kia mà không hay biết.
Cũng vì lý do này, phương pháp chữa bệnh bằng năng lượng được giữ bí mật, không truyền cho các y sĩ mà chỉ dành riêng cho một số giáo sĩ.
Tôi ngạc nhiên:
– Tại sao? Tại sao… chỉ giáo sĩ mới được học phương pháp này?
– Vì các giáo sĩ có những lời thề nguyện thiêng liêng, cương quyết bước vào một đời sống tôn giáo với những sự thanh lọc, với những kỷ luật tự giác để không còn bản ngã riêng tư.
– Nếu vậy một người như con không thể học phương pháp này?
Đạo trưởng Akhanuxem gật đầu:
– Đúng thế, trừ khi con phát nguyện trở nên một giáo sĩ như ta.
Tôi đâm ra bất mãn:
– Vậy bệnh nhân đi kiếm y sĩ làm chi cho mất công. Cứ đến thẳng các giáo sĩ chuyên về phương pháp chữa bệnh này có hơn không?
Đạo trưởng Akhanuxem lắc đầu:
– Này Sinuhe, có những việc không giản dị như con nghĩ đâu. Con chớ nên vội vàng kết luận khi chưa hiểu rõ. Mỗi người đều có một sứ mạng riêng phù hợp với những ước nguyện riêng. Một y sĩ có những chức năng của một y sĩ và một giáo sĩ cũng có những nhiệm vụ của một giáo sĩ.
Kiến thức là một kho tàng quí báu nhưng đôi khi nó cũng là một con dao hai lưỡi, nếu không biết sử dụng cẩn thận, nó có thể đem đến những hậu quả tai hại.
Lúc đó tôi chưa hiểu hết ý nghĩa câu nói của đạo sĩ Akhanuxem nên chua chát:
– Phải chăng ngài muốn nói khi các y sĩ bó tay thì bệnh nhân chỉ có cách tìm đến các giáo sĩ? Ngoài ra đâu còn cách nào khác, phải không?
Đạo trưởng Akhanuxem lắc đầu:
– Không hẳn thế! Trong việc chữa trị bằng năng lượng, một khí cụ trung gian không hẳn đã cần thiết. Nếu một bệnh nhân biết mở rộng tâm hồn trước quyền năng cao cả, biết giao trọn đời mình cho quyền năng cao cả, biết phục thiện và thay đổi lối sống, từ thể xác đến tinh thần, thì sự chữa trị trực tiếp có thể xảy ra, và đó là sự chữa bệnh bằng niềm tin.
Đạo trưởng Akhanuxem im lặng một lúc như đắm chìm trong một ý nghĩ nào đó. Sau cùng ông nhìn tôi như muốn nói gì thêm nhưng không hiểu sao ông chỉ đưa tay ra vỗ nhẹ lên vai tôi như khuyến khích rồi đi thẳng vào căn phòng nhỏ của ông gần đó.
…